Hotline
Soạn thảo, review hợp đồng mua bán
Bước 1: Cần xác định loại hợp đồng/đối tượng của hợp đồng
Làm thế nào để xác định loại hợp đồng?
Loại hợp đồng ví dụ như: Hợp đồng mua bán nhà, Hợp đồng lao động, Hợp đồng mua bán hàng hoá,…
Bạn có thể xác định loại hợp đồng/đối tượng hợp đồng dựa vào tên của Hợp đồng và đối tượng, nội dung hợp đồng tại phần đầu tiên của Hợp đồng. Cách này chỉ mang tính tương đối như kiểu quét ban đầu, vì có một số hợp đồng cách đặt tên hợp đồng không phù hợp, nên không phải lúc nào dựa vào tên hợp đồng cũng xác định được loại hợp đồng.
Và xác định để làm gì?
Xác định loại hợp đồng/đối tượng hợp đồng để chuyển sang Bước tiếp theo
Bước 2: Chuẩn bị các nguyên liệu (cơ sở pháp lý điều chỉnh)
Việc review hợp đồng cũng giống như việc bạn nấu một món ăn, thì sau khi xác định được món ăn muốn nấu ở Bước 1 rồi, thì tìm nguyên liệu phù hợp. Nguyên liệu để review hợp đồng sẽ là tổng hợp các cơ sở pháp lý để điều chỉnh loại hợp đồng/đối tượng hợp đồng đó. Đó là lý do tại sao cần phải xác định loại hợp đồng/đối tượng hợp đồng trước, mục đích là để chúng ta có thể tổng hợp đầy đủ các cơ sở pháp lý điều chỉnh liên quan. Như khi bạn xác định được ở Bước 1 là hợp đồng mua bán hàng hoá thì nguyên liệu cần có phải là Bộ luật dân sự, Luật thương mại, và Luật chuyên ngành điều chỉnh đối tượng hợp đồng.
Ngoài ra, một nguyên liệu cũng quan trọng không kém, đó là bạn nên nghe trình bày của khách hàng mình đối với các nội dung trong hợp đồng, để nắm bắt được các nội dung cơ bản liên quan đến giao dịch trong hợp đồng, những lưu ý mà họ muốn đưa vào trong hợp đồng.
Bước này được xem là bước cực kỳ quan trọng, cũng như nấu ăn, một khi bạn chuẩn bị được đầy đủ nguyên liệu thì giống như bạn đã đi được 50% chặng đường.
Bước 3: Kiểm tra về hình thức và hiệu lực của hợp đồng
Hình thức và hiệu lực của hợp đồng giống như nguyên liệu chính của món ăn, nếu không có nguyên liệu chính thì chắc chắn không nấu ra món ăn đó được. Vì vậy, trước khi mất thời gian để đọc hết bản hợp đồng dài mấy chục trang thì bạn cần kiểm tra xem hình thức hợp đồng và hiệu lực của hợp đồng.
- Hình thức hợp đồng thì tuỳ mỗi loại hợp đồng mà bạn đã xác định ở Bước 1, sẽ có quy định là hợp đồng có thể bằng lời nói, bằng hành vi hoặc bằng văn bản. Mục đích của việc kiểm tra này là để xem đối với loại hợp đồng đó thì hình thức này đã phù hợp với quy định hay chưa?
- Về hiệu lực của hợp đồng thì cần xác định các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng gồm: chủ thể xác lập hợp đồng, mục đích và nội dung của hợp đồng.
Bước 4: Kiểm tra các điều khoản khung của Hợp đồng
Hiện nay, có một số hợp đồng bắt buộc phải có các điều khoản theo Luật quy định. Ví dụ như Hợp đồng chuyển giao công nghiệp, hợp đồng hợp tác. Đối với các trường hợp này, dựa theo quy định của Luật sẽ giúp các bạn dễ xác định được các điều khoản cơ bản mà hợp đồng cần phải có. Sau khi đã xác định được loại hợp đồng, đối tượng hợp đồng và luật điều chỉnh thì việc kiểm tra các điều khoản khung của hợp đồng là tương đối dễ dàng. Cứ căn theo luật quy định điều khoản nào cần phải có thì bắt buộc hợp đồng phải có, điều khoản nào không có trong luật thì xem thoả thuận của các bên có vi phạm điều cấm hay không, có phù hợp với tập quán,…Ngoài ra, cần xem xét một số điều khoản mà các hợp đồng luôn phải có như điều khoản về bất khả kháng; tạm ngừng, chấm dứt và hệ quả của tạm ngừng, chấm dứt hợp đồng; luật áp dụng; giải quyết tranh chấp,…
Các bạn nên kiểm tra trước các điều khoản khung, tránh trường hợp đọc chi tiết cả hợp đồng dài, sẽ dễ bị phân tâm và khi đó dễ xác định bị thiếu điều khoản chính cần phải có.
Bước 5: Bắt đầu review chi tiết từng điều khoản của Hợp đồng
Phần này thì đòi hỏi các bạn phải thực sự tập trung và lưu ý từng nội dung mình đã đọc để kết nối chúng với nhau.
Thần chú để review chi tiết là: luật quy định như thế nào về vấn đề đó? Thoả thuận của các bên như vậy có phù hợp hay vi phạm điều cấm gì không? Thoả thuận vậy có đảm bảo được quyền lợi cho các bên/bên khách hàng mà mình đang bảo vệ? Thoả thuận có thực thi được trên thực tế hay không? Thoả thuận có đảm bảo để các bên tuân thủ nó hay không (tức là có sợ để tuân thủ hay không? Nếu không thì làm hợp đồng không có ý nghĩa gì).
Trong quá trình review chi tiết nội dung hợp đồng, cần kết hợp kiểm tra lỗi chính tả cũng như định dạng văn bản cho đẹp và chỉn chu. Lưu ý là nên sử dụng các công cụ định dạng nhảy số/nhảy chữ tự động, vì khi review hợp đồng sẽ chỉnh sửa rất nhiều nên việc nhảy số/nhảy chữ tự động sẽ chính xác hơn và tiết kiệm được thời gian.
Ở mục này, tuỳ mỗi loại hợp đồng sẽ có những lưu ý riêng, tôi sẽ viết ở bài viết khác cho một số loại hợp đồng thông dụng.
Một số tips để “lên tay” review hợp đồng:
- Thống kê lại các luật hiện nay có điều chỉnh liên quan đến từng loại hợp đồng và ghi chú vào sổ tay như bí kíp là loại hợp đồng nào luật có quy định, để khi gặp loại hợp đồng đó mình sẽ biết cần xem ở đâu;
- Sưu tầm và đọc thật nhiều mẫu hợp đồng từ trên mạng, từ người quen,…Không đợi đến lúc đụng tay vào hợp đồng nào thì mới đi tìm nhé! Khi có thời gian rảnh thì cứ sưu tầm và đọc trước;
- Nên đọc án lệ và các bản án liên quan đến tranh chấp hợp đồng. Việc đọc này sẽ giúp cho bạn nhận diện được các rủi ro, tranh chấp thường xảy ra trên thực tế, từ đó sẽ có những điều khoản chặt chẽ giúp hạn chế các tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hiện nay các án lệ và bản án đã được công bố ở trang: congbobanan.toaan.gov.vn, việc tải tài liệu ở đây tương đối đơn giản.
Trên đây là các bước cơ bản để thực hiện việc review hợp đồng, dành cho các bạn mới hành nghề có thể tham khảo. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, hiện nay không có bất kỳ công thức hay giáo trình nào dạy cố định cho chúng ta các bước để tiến hành review hợp đồng và các bước trong nội dung bài viết này được đưa ra trên quan điểm cá nhân và kinh nghiệm tôi đúc kết được khi làm thực tiễn, điều đó có nghĩa chúng ta sẽ không bàn luận về tính đúng sai của nó. Các bạn có thể tham khảo và tìm ra công thức riêng cho mình để có được kết quả tốt nhất.