Tại sao Nhà nước phải thu hồi đất, không để dân - doanh nghiệp tự thương lượng?

04/11/2022

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất luật hạn chế tối đa những dự án nhà nước đứng ra thu hồi đất, để các dự án kinh tế, xã hội cho người dân và nhà đầu tư tự thương lượng theo giá thị trường.

Tại sao Nhà nước phải thu hồi đất, không để dân - doanh nghiệp tự thương lượng? - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 3-11, phát biểu thảo luận tổ về Luật đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá dự luật có nhiều ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội, được người dân quan tâm. Theo ông, dự luật dự kiến thông qua sau ba kỳ họp, nhưng nếu cần thiết và có những tranh luận "chưa ngã ngũ", có thể kéo dài qua bốn kỳ họp.

Đại biểu TP.HCM đề nghị rà soát quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, để đảm bảo quyền của người dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Ví dụ, dự thảo luật quy định "việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", là rất gian nan.

Hay dẫn điều 86 về "thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" đưa ra rất nhiều loại dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi, trong đó có cả dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn, nhà ở thương mại, dự án lấn biển, dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn..., ông Ngân lo ngại việc thu hồi sẽ khó khăn và không đảm bảo quyền lợi người dân.

Từ đó, ông Ngân kiến nghị dự thảo luật hạn chế tối đa những dự án Nhà nước đứng ra thu hồi đất, để các dự án kinh tế, xã hội cho người dân và nhà đầu tư tự thương lượng theo giá thị trường. Ngoài ra, chỉ xem xét thu hồi đất nông nghiệp và hạn chế đến mức tối đa thu hồi đất phi nông nghiệp của dân.

"Khi đi tiếp xúc cử tri, người dân cho biết đất của họ tự nhiên bị quy hoạch đất công viên, cây xanh và được bồi thường giá rất thấp. Trong khi ngay bên cạnh, nhà dân khác thuộc quy hoạch đất thương mại lại được đền bù giá cao hơn nhiều", ông Ngân đề nghị xem xét mặt bằng giá để đảm bảo quyền lợi người dân.

Tại sao Nhà nước phải thu hồi đất, không để dân - doanh nghiệp tự thương lượng? - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) - Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết từ lần sửa đổi Luật đất đai năm 2003, bà và nhiều đại biểu đã đặt vấn đề Nhà nước chỉ nên tập trung thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng. Qua gần 10 năm thực hiện luật, thực tế cho thấy vấn đề thu hồi đất đã gây không ít sự việc mất an ninh trật tự, ảnh hưởng quyền lợi, lòng tin của người dân.

Đại biểu TP.HCM cho rằng mục đích phát triển kinh tế, xã hội, lợi ích công cộng rất rộng, liệt kê vào luật sẽ "chỗ thiếu chỗ thừa". Do vậy, bà kiến nghị luật chỉ quy định Nhà nước thu hồi, trưng dụng đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, các dự án còn lại để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân.

"Nhà nước xen vào chi cho cực, doanh nghiệp giỏi đến mức làm được dự án thì họ cũng sẽ giỏi thuyết phục người dân đồng thuận và làm dự án êm đẹp. Tránh trường hợp tranh chấp khi thu hồi thì mảnh đất đó chẳng tốt lành gì để phát triển kinh tế - xã hội", bà Lan đề nghị quy định trong dự thảo rằng "Nhà nước không có thu hồi đất cho dự án kinh tế, xã hội, trừ dự án đặc biệt lớn do Quốc hội phê duyệt".

"Thu hồi cho dự án nào cũng phải bồi thường cho người dân theo giá thị trường. Khi làm dự án, giá trị đất đai tăng, sự thịnh vượng đó phải được chia sẻ cho những người dân mà họ, cha ông họ bỏ bao nhiêu công sức ra khai phá, tạo lập chứ không phải chỉ để những người nơi khác đến làm và hưởng lợi." - ĐẠI BIỂU PHẠM KHÁNH PHONG LAN

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN

Hãy để lại thông tin liên hệ hoặc liên hệ ngay với chúng tôi

Top